Nhiều quốc gia trên thế giới đang theo đuổi các chương trình phát triển vũ khí, phương tiện chiến đấu mới, trong đó có không quân ứng dụng sâu công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là hướng phát triển vũ khí đầy tiềm năng chưa được khai phá và có khả năng thay đổi phương thức tác chiến không quân ngay từ những năm 2030.
Thực tế, định hướng này đang được hiện thực hóa từng bước thông qua các chương trình kết hợp người-máy với việc tích hợp AI cho các tổ hợp máy bay không người lái để chúng có khả năng nhận lệnh và phối hợp với phi công con người. Theo đó, máy bay có người lái sẽ giống như trung tâm chỉ huy chiến thuật trên không, đưa các robot chiến đấu vào vị trí để chúng tự tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu.
Máy bay có người lái sẽ là trung tâm chỉ huy tác chiến
Ở thời điểm hiện tại, việc sử dụng các thiết bị không người lái trong chiến đấu đã khá phổ biến. Tuy nhiên, tất cả các loại phương tiện trên đều không có sự tự nhận thức, học tập khả năng chiến đấu, mà chỉ đơn thuần là phương tiện tác chiến điều khiển từ xa.
AI đang tạo ra khái niệm mới về đội hình chiến đấu người-máy, đặc biệt là trong không quân khi sức mạnh của công nghệ và khí tài đóng vai trò quan trọng.
Điều này hoàn toàn khác biệt ở chương trình Skyborg do Không quân Mỹ phát triển. Phương tiện không người lái sẽ không phải là cỗ máy thông thường, mà được tích hợp AI giúp thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Thậm chí, trong nhiều tình huống, chúng sẽ có quyền tự tấn công mục tiêu theo danh mục đã được lập trình trước đó.
Thực tế là AI trong lĩnh vực quân sự khác biệt hoàn toàn so với dân sự. Nếu AI dân sự có thể mắc sai sót, thì điều này không được phép tồn tại đối với lĩnh vực quân sự. Bất kỳ sai sót nào đều có thể trả giá bằng mạng sống của người lính trên chiến trường. Dù được tự hoạt động, nhưng AI trên Skyborg vẫn được giám sát bằng các thuật toán đặc biệt để giảm thiểu các mối nguy cơ từ chính AI, cũng như sự can thiệp từ các tác nhân vô ý hoặc cố ý từ bên ngoài.
Với tiến độ phát triển hiện tại, Không quân Mỹ kỳ vọng Skyborg sẽ hoàn thiện vào năm 2030 và đi vào chiến đấu trong những năm sau đó. Chúng sẽ đóng vai trò như một trợ lý ảo không cần nghỉ ngơi, chịu được áp lực công việc để hỗ trợ phi công con người. Các chuyên gia quân sự Mỹ tin rằng, Skyborg có thể đảm nhiệm một khối lượng công việc lớn để giúp đỡ phi công con người trong các nhiệm vụ rủi ro cao như: Trinh sát, chế áp điện tử, giám sát trên không, tấn công mục tiêu mặt đất và thậm chí là cả không chiến. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu tiên, Skyborg sẽ vẫn nhận lệnh chỉ huy trực tiếp từ phi công con người.
Nếu đáp ứng được các kỳ vọng trên, Skyborg sẽ mở ra kỷ nguyên tác chiến đường không mới, thậm chí là thay đổi các chiến thuật không chiến hiện tại. Trong đội hình hỗn hợp, các Skyborg giúp phi công người lái có khả năng nhận thức tốt hơn về tình huống chiến đấu để chủ động đưa ra các phương án tác chiến phù hợp.
Nhiều quốc gia cũng đang phát triển Skyborg
Dù mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng không chỉ có Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng bước vào cuộc đua tích hợp AI lên các phương tiện chiến đấu, trong đó có thiết bị bay không người lái để nâng cao hiệu quả chiến đấu.
Thiết bị bay Loyal Wingman do chi nhánh Boeing tại Australia phát triển. Ảnh: Boeing.
Thiết bị bay Loyal Wingman do chi nhánh Boeing tại Australia phát triển là minh chứng rõ ràng. Thiết bị bay này được phát triển theo yêu cầu của Không quân Australia và đã hoàn thành giai đoạn bay thử. Dù chưa có nhiều thông tin về Loyal Wingman được công bố, nhưng nó được thiết kế để hoạt động phối hợp và tương tác với phi công con người.
Từ giữa những năm 2010, Pháp, Anh và Nhật Bản cũng khởi động các chương trình phát triển thiết bị bay không người lái tích hợp AI. Tất cả chúng được thiết kế để hoạt động trong Hệ thống tác chiến hợp nhất giữa người-robot, có khả năng tương tác qua lại. Điều này đồng nghĩa với việc thiết bị bay sẽ giống như là một phi công trong phi đội, chứ không đơn thuần là phương tiện bay không người lái.
Gần đây, Nga cũng công bố nhiều thông tin về dòng thiết bị bay S-70 Okhotnik. Nó đóng vai trò như một phương tiện phối hợp tác chiến với dòng máy bay Su-57. Dù không công khai chính thức, nhưng Okhotnik cũng được tích hợp AI với vai trò là phương tiện thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm thay thế cho Su-57 trong đội hình chiến đấu. Ngoài ra, mẫu UAV Grom (Thần sấm) mới cũng có tính năng tương tự. Thiết bị đa dụng này có thể hoạt động độc lập hoặc phối hợp trong đội hình tác chiến không quân.
Dù các chương trình phát triển phương tiện bay chiến đấu tích hợp AI hiện tại mới đang ở giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, với sự phát triển gần như không có giới hạn của AI, sẽ không quá ngạc nhiên khi trong thập kỷ tới, các trận chiến sẽ là sự kết hợp giữa đội hình hỗn hợp người-máy.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân