AI (trí tuệ nhân tạo) và các hệ thống tự động hóa đang thay đổi cách thức hoạt động tình báo, từ tiếp cận, thu thập cho đến bảo vệ và phân tích thông tin mật.
Thông tin thu được từ các phần mềm sử dụng công nghệ AI là vô cùng lớn và cũng chỉ các phần mềm sử dụng công nghệ AI mới đủ khả năng để phân tích khối lượng thông tin khổng lồ này. Trong vòng 20 năm qua, xu hướng sử dụng AI để thu thập thông tin ngày càng gia tăng, dẫn đến lượng dữ liệu chuyển về các cơ quan tình báo tăng lên với tốc độ chóng mặt. Đã có một cuộc cách mạng đang diễn ra trong cộng đồng tình báo và những ai không nắm bắt được xu thế sẽ khó mà bắt kịp cuộc chơi.
AI và cuộc cách mạng tình báo
Mọi cuộc cách mạng đều có căn nguyên của nó. Cuộc cách mạng tình báo hiện nay bắt nguồn từ thế kỷ 20, khi các công nghệ mới trong lĩnh vực viễn thông và máy tính ra đời khiến cho kỹ chiến thuật và phương thức hoạt động tình báo được nâng lên một tầm cao mới, tinh vi hơn rất nhiều. Khởi đầu từ cuộc cách mạng trong lĩnh vực quân sự khi các chuyên gia phát hiện ra rằng hiệu quả tác chiến có sự thay đổi rất lớn khi sử dụng công nghệ AI và các hệ thống vũ khí tự động.
Giáo sư Stuart Russell và Viện nghiên cứu Cuộc sống tương lai (FLI) đã tiến hành thí nghiệm trên một thiết bị có tên là rô-bốt sát thủ (slaughterbots). Thiết bị bay siêu nhỏ này có hình dạng như một chiếc flycam, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay. Slaughterbots được trang bị camera, cảm biến thông minh, phần mềm xử lý hình ảnh, nhận diện khuôn mặt, một khối thuốc nổ nặng 3 gram, và đặc biệt là một bộ vi xử lý tốc độ cao, cho phép slaughterbots phân tích dữ liệu và phản ứng nhanh hơn 100 lần tốc độ bộ não con người. Theo thông số lập trình, slaughterbots sẽ tìm cách tiếp cận mục tiêu và khi đã tìm được, nó lao thẳng vào mục tiêu với vận tốc lớn, kích hoạt khối thuốc nổ 3 gram, khoan sâu vào bên trong hộp sọ. Vết thương này đủ để giết chết nạn nhân trong nháy mắt.
Những con rô-bốt nhỏ bé này có thể truy cập thông tin về đối tượng từ dữ liệu đám mây, mạng xã hội để tự động truy tìm mục tiêu và chỉ 25 triệu USD là có thể mua được số lượng slaughterbots đủ để tiêu diệt một nửa dân số một thành phố lớn của Mỹ. Những gì đang diễn ra trên thực địa tại Ukraine cũng chứng minh cho vai trò ngày càng lớn của vũ khí tự động khi Ukraine liên tục sử dụng máy bay không người lái mang bom và rocket tấn công các mục tiêu đã định trước. Viễn cảnh sử dụng vũ khí tự động dựa trên nền tảng công nghệ AI là vô cùng rõ ràng và hết sức nguy hiểm và cần có những hệ thống phòng thủ đặc dụng trong bối cảnh rất nhiều nước vẫn đang ráo riết đổ tiền vào nghiên cứu, chế tạo nhiều loại rô-bốt quân sự khác nhau trên nền tảng AI.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa hoạt động quân sự với hoạt động tình báo cùng với sự trỗi dậy của công nghệ AI và các hệ thống tự động đã đem đến một “cuộc cách mạng trong lĩnh vực tình báo”, trong đó máy móc không chỉ là công cụ để thu thập và phân tích thông tin mà có thể tự xử lý thông tin thu thập được, tự ra quyết định và thậm chí là tự xác định mục tiêu tấn công, trong đó có các hệ thống máy móc khác của đối phương cũng đang thực hiện hoạt động thu thập thông tin tình báo.
Tình báo vẫn là tai mắt, con người vẫn là chủ thể của hoạt động tình báo, nhưng thay vì đến tận nơi, xem tận mắt và nghe lén bằng chính đôi tai cũng như phân tích và dự đoán bằng chính trí óc của con người, cộng đồng tình báo đang chuyển sang ứng dụng tối đa các sản phẩm công nghệ. Mục đích cuối cùng vẫn là nhắm đến khai thác thông tin về các mối quan hệ chính trị, xã hội, kinh tế và quân sự của con người, nhưng hoạt động tình báo do máy móc thực hiện sẽ có tốc độ, quy mô và mức độ phức tạp hơn hẳn so với hoạt động tình báo do con người thực hiện.
Những tiến bộ và cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ là động lực cho cuộc cách mạng này diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Cộng đồng tình báo cần phải chấp nhận và đón nhận cuộc cách mạng này và chuẩn bị cho một tương lai bị thống trị bởi AI, nếu không muốn mất đi lợi thế cạnh tranh.
Nguồn: qdnd.vn