Máy bay ném bom tàng hình Mỹ xuất hiện trong ảnh vệ tinh được công bố trên Google Maps khi đang hoạt động ở vùng trời bang Missouri.
Tài khoản Hippowned đăng hình ảnh oanh tạc cơ B-2 trên trang Reddit hồi đầu tuần với dòng chữ “phi cơ tàng hình bị Google Maps bắt gọn khi đang bay”. Tọa độ khu vực chụp ảnh cho thấy chiếc B-2 đang bay trên vùng trời bang Missouri, không xa căn cứ Whiteman, nơi đóng quân của toàn bộ phi đội máy bay ném bom tàng hình Mỹ.
Google Maps cho biết hình ảnh được vệ tinh của hãng Maxar chụp. Hiệu ứng nhòe xung quanh bức ảnh do phi cơ đang bay và các phổ màu được vệ tinh sử dụng để chụp ảnh. Sự tách biệt giữa các màu có thể cho thấy tốc độ bay của phi cơ, cũng như tốc độ chụp ảnh của vệ tinh.
Phát ngôn viên tập đoàn quốc phòng Northrop Grumman, nhà sản xuất dòng B-2, cho biết: “Tôi có thể xác nhận rằng hình ảnh này là một chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 đang hoạt động gần căn cứ Whiteman. Chúng tôi luôn giữ vững cam kết với phi đội B-2 và không quân Mỹ, bảo đảm những chiếc máy bay tàng hình này duy trì được hiệu quả tác chiến trong nhiều năm nữa“.
B-2 Spirit là mẫu máy bay ném bom tàng hình chiến lược được Mỹ ra mắt năm 1988, cũng là phi cơ đắt nhất trong lịch sử. Giá thành chế tạo một chiếc B-2 khi đó là 515 triệu USD, tương đương 1,06 tỷ USD hiện nay. Nếu tính cả chi phí nghiên cứu phát triển, mỗi chiếc Spirit sẽ có giá lên tới 2,1 tỷ USD. Dòng B-2 là mũi nhọn trong mọi đòn đánh phủ đầu của Mỹ, nhờ khả năng tàng hình trước radar đối phương.
Mỹ đã sản xuất tổng cộng 21 máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, trong đó một chiếc bị phá hủy hoàn toàn do sự cố trong lúc cất cánh tại đảo Guam hồi năm 2008. Một phi cơ khác cũng bị hư hỏng nặng do cháy trên mặt đất năm 2010, nhưng được sửa chữa và đưa trở lại biên chế với chi phí rất cao.
Ảnh vệ tinh được công bố hồi tháng 9 cho thấy một chiếc B-2 sập càng trái, quệt cánh xuống bãi cỏ cạnh đường băng duy nhất của sân bay Whiteman sau khi đáp khẩn cấp vì sự cố. Bộ Quốc phòng Mỹ chưa công bố thiệt hại, trong khi giới chuyên gia quân sự cho rằng mức độ hư hỏng của chiếc B-2 có thể từ trầy xước vỏ hấp thụ sóng radar cho đến hư hỏng cấu trúc khung vỏ và thân cánh.
Nguồn: Tổng hợp