Dự đoán xu hướng công nghệ vũ trụ năm 2022
Kính chống xước, GPS, đèn LED, kim loại chịu nhiệt, chữa bệnh từ xa… đã thay đổi cách chúng ta sống và chúng đều được phát triển nhờ công cuộc khám phá không gian.
Hãy xem công nghệ vũ trụ sẽ thay đổi ra sao năm mới 2022.
Trở lại Mặt trăng
Du hành lên Mặt trăng không phải ưu tiên hàng đầu trong chương trình thăm dò không gian trong vài thập kỷ qua, nhưng điều đó đã thay đổi trong những năm gần đây. Hầu hết các chương trình mới sẽ đưa tàu đổ bộ và phương tiện thăm dò tự hành lên Mặt trăng vì nơi đây được chọn để thử nghiệm công nghệ khi chúng ta tìm đường tới sao Hỏa.
Trong quá trình trên, “những trọng tải nhỏ” sẽ được đưa lên Mặt trăng. Đây chủ yếu là thiết bị tự hành được thiết kế để xác định vị trí, trích xuất và xử lý các phần tử từ bề mặt Mặt trăng.
Mỹ đang có kế hoạch khởi động sứ mệnh Thương mại Dịch vụ Tải trọng Mặt trăng với sự hợp tác giữa NASA và hãng Công nghệ Astrobotic. Các nước Nga, Nhật Bản và Ấn Độ cung đều có kế hoạch đưa tàu đổ bộ robot lên Mặt trăng trong năm 2022.
Dọn rác vũ trụ
Một tác dụng phụ đáng lo ngại của khám phá vũ trụ là việc xả rác ra không gian. Người ta ước tính có tới 8.000 tấn mảnh vỡ từ các sứ mệnh không gian trước đây và các vệ tinh không còn tồn tại đang trôi nổi trên quỹ đạo Trái đất. Chúng có thể gây nguy hiểm cho các sứ mệnh không gian trong tương lai với nguy cơ tạo ra các vụ va chạm thảm khốc.
Ngoài ra, chúng có thể gây ảnh hưởng tới các dịch vụ không gian mà chúng ta đang sử dụng như dự báo thời tiết và GPS.
Ra mắt trong năm nay, vệ tinh dọn rác vũ trụ ELSA-d của Nhật Bản sẽ hút sạch các mảnh vỡ bị bỏ lại trong không gian bằng nam châm rồi đẩy chúng về phía Trái đất. Tại đây chúng sẽ bốc cháy ở các lớp ngoài của khí quyển.
Một công nghệ khác xử lý rác thải có tên RemoveDebris của Thụy Sĩ sẽ sử dụng lưới để dọn dẹp. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang lên kế hoạch phóng một “robot tự hủy” để phá hủy một mảnh vụn vũ trụ.
Tên lửa tái sử dụng
Hệ thống phóng có thể được tái sử dụng để đưa các phương tiện bay vào quỹ đạo, giúp giảm đáng kể chi phí rời khỏi bầu khí quyển của Trái đất và mở ra hy vọng cho nhiều sáng kiến thú vị có thể quá tốn kém khi áp dụng. Chúng cũng sẽ thực hiện các nhiệm vụ không gian thông thường như phóng vệ tinh và tiếp tế cho trạm IS một cách tiết kiệm hơn nhiều.
Nguyên mẫu tàu Starship SN20 của hãng SpaceX sẽ cố gắng thực hiện chuyến bay quỹ đạo thành công đầu tiên bằng tên lửa có thể tái sử dụng vào đầu năm 2022 và nó đang chờ để Cục Hàng không Liên bang Mỹ phê duyệt. SN20 là phương tiện mà SpaceX hy vọng cuối cùng sẽ đưa con người lên sao Hỏa.
Cuối năm 2022, hãng Blue Origin sẽ cố gắng phóng tên lửa New Glenn 2 giai đoạn vào quỹ đạo tầm thấp của Trái đất. Tên lửa này được thiết kế để sử dụng tới 25 lần và cuối cùng sẽ chở người và hàng hóa.
Vệ tinh được sử dụng nhiều
Các vụ phóng vệ tinh tiếp tục chiếm phần lớn hoạt động không gian thương mại. Nguyên nhân chính là chi phí đưa vệ tinh vào quỹ đạo ngày càng giảm và dữ liệu nó cung cấp ngày càng được sử dụng nhiều. GPS và hình ảnh vệ tinh là một công cụ quan trọng cho nhiều mặt trong cuộc sống với những ứng dụng mới như đối phó với đại dịch.
Vệ tinh ngày càng trở nên nhỏ hơn và nhẹ hơn, giúp những công ty khởi nghiệp hiện nay có thể tận dụng khả năng của công nghệ này. Các báo cáo gần đây cho thấy chi phí phóng vệ tinh của một doanh nghiệp đang dần tương đương với việc ra mắt một ứng dụng. Hãng Galaxy Space của Trung Quốc đã phát triển và phóng 1.000 vệ tinh nhỏ vào không gian cho khách hàng trong các ngành bao gồm hàng không, hàng hải và sản xuất phương tiện giao thông.
Một dấu hiệu khác cho thấy vệ tinh đang trở nên rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn có thể thấy trong vệ tinh in 3D đầu tiên trên thế giới. Nhà sản xuất Fleet Space Technologies của Australia cho biết sẽ phóng vệ tinh này vào quỹ đạo năm 2022. Chúng chủ yếu được thiết kế để cung cấp các giải pháp liên lạc và kết nối cho các thiết bị có Internet đang ngày càng phổ biến trong các gia đình và doanh nghiệp trên thế giới.
Công nghệ vũ trụ và biến đổi khí hậu
Công nghệ vũ trụ được đặc biệt công nhận là một trong những chìa khóa giúp đạt được 17 Mục tiêu phát triển bền vững cho năm 2030 do Liên Hợp Quốc đề ra. Một ví dụ điển hình là các vật liệu phản xạ ban đầu được phát triển để bảo tồn nhiệt trong tàu vũ trụ hiện được sử dụng phổ biến để cách nhiệt tại các tòa nhà trên Trái đất.
Điều này có nghĩa là các nước đang tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ vũ trụ nhằm giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.
Một trong những sáng kiến trên là MethaneSat (Mỹ), nó được thiết kế để xác định và theo dõi các nguồn phát thải khí mê tan trên Trái đất. Điều này rất quan trọng vì khí thải mêtan vốn gây ra khoảng một nửa sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên công nghiệp.
Công nghệ thông minh
Ngoài ra, một dự án khác có tên TreeView được Cơ quan Vũ trụ Anh tài trợ sẽ dùng ảnh vệ tinh để lập bản đồ về độ che phủ của cây và nạn phá rừng.
Nguồn: Giaoducthoidai