6 Bước Không Thể Bỏ Qua Để Bảo Vệ Thông Tin Cá Nhân Khi Bị Lộ
Mục lục bài viết
Bị lộ thông tin cá nhân, tài khoản, thậm chí cả mật khẩu các dịch vụ mạng là nguy cơ bất kỳ người dùng nào cũng có thể gặp phải khi dùng Internet. Tuy nhiên, người dùng nên làm gì khi thông tin của mình xuất hiện trong danh sách dữ liệu bị phát tán?
Việc bị lộ thông tin cá nhân, tài khoản dịch vụ mạng đương nhiên khiến nguy cơ bạn bị tấn công rất cao. Tuy nhiên, khi đã nhận thức được hiểm họa tiềm ẩn, việc ngăn chặn vẫn nằm trong tầm tay người dùng.
Làm ngay những việc sau khi phát hiện thông tin cá nhân, tài khoản bị lộ
Thay đổi mật khẩu
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn nên thực hiện. Hãy thay đổi mật khẩu của tất cả các tài khoản có thể bị ảnh hưởng, bao gồm email, mạng xã hội, ngân hàng trực tuyến… Đừng quên chọn mật khẩu mạnh, bao gồm chữ cái, số và ký tự đặc biệt. Để quản lý mật khẩu hiệu quả, hãy sử dụng trình quản lý mật khẩu đáng tin cậy để tăng cường bảo mật.
Đề phòng lừa đảo qua email
Đôi khi, tội phạm mạng sẽ gửi email giả mạo để đánh cắp thông tin. Họ có thể giả mạo các dịch vụ mà bạn đã hoặc đang sử dụng và yêu cầu người dùng thay đổi mật khẩu. Khi nhận được những email khả nghi như vậy, người dùng không nên vội vàng nhấp vào các liên kết trong email. Thay vào đó, hãy truy cập trực tiếp vào trang web chính thức của dịch vụ và tự cập nhật mật khẩu.
Kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA)
Xác thực hai yếu tố là một lớp bảo mật bổ sung giúp tài khoản của bạn an toàn hơn. Với 2FA, ngay cả khi ai đó có mật khẩu của bạn, họ vẫn không thể truy cập vào tài khoản mà không có mã xác nhận thứ hai, thường được gửi qua SMS, email hoặc qua ứng dụng xác thực như Google Authenticator. Sau khi kích hoạt, hãy nhớ lưu mã khôi phục được cung cấp. Tránh chụp ảnh màn hình các mã này trên điện thoại, vì có nguy cơ kẻ tấn công có thể truy cập thông tin.
Khóa và phát hành lại thẻ ngân hàng (nếu cần)
Nếu thông tin thanh toán được lưu trữ bởi một dịch vụ đã xảy ra vi phạm dữ liệu (có thể xác nhận thông tin này bằng cách kiểm tra chính sách quyền riêng tư của dịch vụ) và dữ liệu xác nhận đã bị rò rỉ (điều này có thể được xác minh với bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của dịch vụ), hãy khóa thẻ ngay lập tức và yêu cầu phát hành lại thẻ để tăng cường bảo mật. Lưu ý, người dùng cũng nên thay đổi mật khẩu đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng trực tuyến của mình.
Yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân
Nếu bạn không muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ đã bị rò rỉ dữ liệu, hãy yêu cầu họ xóa hoàn toàn tất cả dữ liệu của bạn. Để thực hiện việc này, hãy liên hệ với bộ phận hỗ trợ kỹ thuật hoặc địa chỉ được chỉ định trong chính sách quyền riêng tư. Các dịch vụ hợp pháp thường cho biết thông tin này trong phần “Quyền của bạn”. Người dùng cũng có thể yêu cầu tất cả dữ liệu được thu thập để hiểu rõ hơn về các thông tin đã bị rò rỉ.
Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân
Chủ động “đề phòng từ xa”, hãy chia sẻ thông tin quan trọng càng ít càng tốt. Chẳng hạn khi đăng ký, không cần thiết phải sử dụng địa chỉ email chính. Ngoài ra, nếu dịch vụ không yêu cầu, hãy tránh cho biết tên thật và địa chỉ cư trú. Mặc dù các biện pháp này sẽ không ngăn chặn một cuộc tấn công có chủ đích, nhưng chúng có thể giúp giảm thiểu rủi ro rò rỉ quy mô lớn.
Nhớ rằng, việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng là trách nhiệm của chính bạn. Hy vọng những hướng dẫn trên đây sẽ giúp bạn an tâm hơn khi sử dụng Internet. Hãy chia sẻ với bạn bè và người thân để chúng ta cùng nhau bảo vệ mình trước những nguy cơ trên mạng nhé!