Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italia, chiều 6/6, Hội thảo “Hợp tác Việt Nam-Italia trong công nghệ và ứng dụng Radar khẩu độ tổng hợp” đã diễn ra tại Hà Nội với sự góp mặt của các Bộ ban ngành và doanh nghiệp liên quan. Vegastar Group vinh dự được tham gia với vai trò chia sẻ, thảo luận về công nghệ Ứng dụng SAR với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Sự kiện do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) và Hiệp hội Công nghệ hàng không vũ trụ Italia phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro; bà Cristina Leone, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Italia; bà Lê Thanh Hương, Chủ tịch Vegastar Group cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành, đại diện của giới hàn lâm và doanh nghiệp.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của 100 đại biểu trong đó có 60 đại biểu tham dự trực tiếp đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục Viễn thám quốc gia, Cục đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam…thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện Điều tra quy hoạch rừng, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Cục trồng trọt…thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn; các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như: Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Địa chất..; các Trường Đại học như Đại học Mỏ, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội….và 40 đại biểu tham dự trực tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn cho biết: “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ vũ trụ đến năm 2030 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào năm 2021, với mục tiêu sử dụng và ứng dụng công nghệ vũ trụ vào quản lý, giám sát, hỗ trợ tài nguyên và môi trường nhằm giảm thiểu thiệt hại bởi thiên tai”.
Có thể thấy, chương trình nhằm kích thích các thảo luận chuyên sâu về những ứng dụng tiềm năng của công nghệ radar khẩu độ tổng hợp (SAR); đặc biệt là về các lĩnh vực quan trọng như giám sát biến đổi khí hậu, tài nguyên nước và thu thập dữ liệu cho nông nghiệp. Việc hợp tác này sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển ngành công nghệ vũ trụ ở nước ta, cũng như thắt chặt mối quan hệ đối tác chiến lược hiện có giữa hai nước.
Tại hội thảo, bà Lê Thanh Hương đã có những chia sẻ về một số thực trạng nghiên cứu và ứng dụng SAR tại Việt Nam, và cung cấp thông tin về năng lực, kinh nghiệm của Vegastar Group về các dự án SAR cũng như các kế hoạch trong tương lai.
Được biết, dự kiến, năm 2024, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) sẽ phóng LOTUSat-1, vệ tinh SAR đầu tiên của Việt Nam. Vệ tinh LOTUSat-1 có khả năng chụp ảnh Trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết ở cả ngày lẫn đêm.
Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh này sẽ đáp ứng các nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp những thông tin chính xác. Từ đó, các chuyên gia có thể đưa ra ứng phó kịp thời để giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường, phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội ./.