Khám phá thiết kế đặc biệt trên tiêm kích tàng hình Checkmate của Nga
Tháng 7/2021, hãng sản xuất máy bay Sukhoi của Nga đã trình diễn máy bay tiêm kích thế hệ 5 mới mang tên Checkmate tại Triển lãm Hàng không MAKS 2021. Checkmate là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5, hạng nhẹ, sử dụng một dộng cơ. Khi đưa vào trang bị, tiêm kích tàng hình Checkmate sẽ tăng cường cho lực lượng máy bay Su-57 hiện có trong biên chế của Không quân Nga. Máy bay Su-57 và Checkmate đều sở hữu những thiết kế ưu tú mang đặc trung của công nghiệp hàng không vũ trụ.
Không quân Nga hiện đã có trong biên chế máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 hiện đại Su-57. Máy bay Su-57 sử dụng 2 động cơ, thiết kế đặc biệt làm tăng thêm hiệu quả loa phụt véc tơ 3 chiều, giúp quá trình điều khiển máy bay rất linh hoạt, tạo khả năng cơ động ưu tú nhất trong số các máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 hiện nay, điều khiển Mỹ vô cùng lo ngại.
Máy bay Su-57 có đặc trưng tàng hình khá đặc biệt, thân máy bay phía trước có mặt cắt hình thoi, khoang vũ khí ở bến trong, cánh đuôi đứng nhỏ. Su-57 có nhiều ưu thế vượt trội ở kết cấu thân máy bay, thiết kế khí động và kiểu loại động cơ; ngoài ra, mặt cắt phản xạ ra-đa, tín hiệu ở dài sóng quang học và hồng ngoại rất nhỏ. Công nghệ tàng hình truyền thống mà nhiều máy bay thế hệ mới đang sử dụng như tiêm kích F-117A, máy bay ném bom chiến lược B-2A hay tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ là sử dụng các kết cấu góc cạnh, dùng các vật liệu hấp thụ sóng ra-đa, giảm bức xạ hồng ngoại do động cơ thải ra.
Tuy nhiên, đối với Su-57, người Nga lại phát triển công nghệ hoàn toàn mới, đó chính là tàng hình Plasma hay còn được gọi là “công nghệ tàng hình chủ động”. Tàng hình Plasma sử dụng khí ion hóa để giảm tiết diện phản xạ ra-đa. Khí ion hóa sẽ bao toàn bộ máy bay và hấp thụ năng lượng điện từ của sóng ra-đa, qua đó gây khó khăn cho việc phát hiện máy bay từ hệ thống phòng không đối phương. Chính vì vậy, khi Nga triển khai 4 chiếc Su-57 tham chiến tại Syria, Mỹ và Isarel đều không phát hiện được sự xuất hiện của những máy bay này cho tới lúc Nga công bố hiệu quả sử dụng chúng trong các cuộc không kích.
Máy bay tiêm kích thế hệ 5 hạng nhẹ Checkmate được thiết kế cấu trúc mở và có thể được lắp ráp thành một số phiên bản khác nhau với cấu hình phù hợp với mong muốn của khách hàng. Truyền thông trong nước và nước ngoài mô tả, máy bay Checkmate giới thiệu tại Triển lãm MAKS 2021 là bản sao của máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Máy bay Checkmate được trang bị ba khoang vũ khí trong thân, trong đó khoang bụng rộng nhất với khả năng mang tối đa 3 tên lửa không đối không RVV-BD, phiên bản xuất khẩu của tên lửa R-37M có tầm bắn tối đa gần 400km. Hai khoang vũ khí nhỏ hơn được đặt hai bên sườn mũi máy bay, có thể chứa tên lửa không đối không tầm gần R-73.
Tiêm kích Checkmate cũng có thể sử dụng hàng loạt vũ khí không đối đất với độ chính xác cao như tên lửa Kh-38MLE/MTE và Kh-59MK, tên lửa diệt ra-đa Kh-58UShKE, tên lửa và bom liệng dẫn đường bằng vệ tinh GROM E-1/2, K08BE và K029BE. Máy bay cũng mang được bom và rốc ket không điều khiển và một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30mm.
Nhà sản xuất Sukhoi cho biết Checkmate có khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn, tầm bay 3.000km và bán kính tác chiến khoảng 1500km, mang được tối đa 7.5 tấn vũ khí. Khung thân máy bay có thể chịu tải gấp 8 lần trọng lực trái đất (8g).
Nguồn: Quốc phòng Thủ đô