Ứng dụng viễn thám quản lý nhà nước đóng vai trò then chốt, trở thành một lĩnh vực công nghệ cao có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước.
Viễn thám là gì?
Viễn thám là môn khoa học nghiên cứu việc đo đạc, thu thập thông tin về một đối tượng, sự vật bằng cách sử dụng thiết bị đo qua tác động một cách gián tiếp (ví dụ như qua các bước sóng ánh sáng) với đối tượng nghiên cứu.
Viễn thám không chỉ tìm hiểu bề mặt của Trái Đất hay các hành tinh mà nó còn có thể thăm dò được cả trong các lớp sâu bên trong các hành tinh. Trên Trái Đất, người ta có thể sử dụng máy bay dân dụng, chuyên dụng hay các vệ tinh nhân tạo để thu phát các ảnh viễn thám.
Ứng dụng viễn thám trong quản lý nhà nước
Phát triển lĩnh vực ảnh viễn thám để bảo đảm việc xây dựng và cung cấp hạ tầng thông tin không gian khách quan, đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm phục vụ các yêu cầu của quản lý nhà nước về giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm quốc phòng – an ninh; phòng chống thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thám thống nhất trên phạm vi cả nước, có năng lực, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành tài nguyên và môi trường.
Lĩnh vực ứng dụng của ảnh viễn thám rất đa dạng, tùy theo từng lĩnh vực cần phải lực chọn loại ảnh thích hợp nhất, nghĩa là loại cảm biến có độ phân giải không gian, phân giải phổ và độ phân giải thời gian thích hợp với yêu cầu cụ thể.
Viễn thám được ứng dụng vào: khảo cổ học, quản lý biến đổi môi trường, điều tra đất, địa chất, nông lâm nghiệp, quản lý đất đai. Ngoài ra viễn thám còn được ứng dụng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ các nhiệm vụ an ninh – quốc phòng và trong việc điều tra nghiên cứu biển đảo…
Phát triển viễn thám quản lý nhà nước
Ở nước ta hiện nay, đang trong công cuộc đổi mới, chúng ta tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phát triển theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước kéo theo nhu cầu đất đai của nhiều ngành càng tăng lên một cách nhanh chóng, bên cạnh đó tình hình sử dụng đất của các địa phương trong cả nước ngày một đa dạng và phức tạp.
Vật nên ngành quản lý đất đai bắt buộc phải có những thông tin, dữ liệu về tài nguyên đất một cách chính xác đầy đủ cùng với sự tổ chức sắp xếp và quản lý một cách khoa học chặt chẽ thì mới sử dụng chúng một cách hiệu quả cho nhiều mục đích khác nhau, ứng dụng viễn thám rất quan trọng trong việc quản lý đất đai, trong việc quản lý nguồn tài nguyên sinh thái bền vững và bảo vệ môi trường.
Nhu cầu về ứng dụng công nghệ viễn thám của nước ta giai đoạn 2015 – 2025 là rất lớn và cấp bách. Sau hơn 40 năm tiếp cận và phát triển công nghệ viễn thám, nhiều ngành ở nước ta đã có tiềm lực công nghệ nhất định cho phép mở ra ứng dụng trên qui mô lớn để đáp ứng các nhu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, còn một số ngành có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh – quốc phòng và có nhu cầu cấp bách về ứng dụng công nghệ viễn thám, nhưng chưa có đủ điều kiện để triển khai.
Theo các quan điểm chỉ đạo, định hướng ứng dụng công nghệ viễn thám đến giai đoạn 2015 đến 2025, sẽ bao gồm ứng dụng và phát triển viễn thám mở rộng trong nhiều lĩnh vực như: quản lý thống nhất biển – hải đảo; tài nguyên nước; khí tượng – thuỷ văn; địa chất – khoáng sản;
Điều tra quản lý tài nguyên rừng; điều tra, quản lý đất đai; đo đạc – bản đồ; nông nghiệp; thuỷ sản; giám sát và giảm nhẹ thiên tai; giám sát và bảo vệ môi trường; nghiên cứu khoa học; quy hoạch đô thị và thiết kế các công trình kinh tế – kĩ thuật lớn; phục vụ các nhiệm vụ an ninh – quốc phòng.
Phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực về ảnh viễn thám là nhân tố quan trọng có tính quyết định để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám ở nước ta giai đoạn tới cũng như tương lai.
Để đạt được mục tiêu về tăng cường nguồn nhân lực trong kế hoạch tổng thể cần triển khai công tác đào tạo ở trong nước cũng như ngoài nước dưới các hình thức đào tạo chuyên sâu về viễn thám bậc đại học và sau đại học, đào tạo văn bằng 2 về viễn thám cho những kĩ sư đã tốt nghiệp các chuyên ngành có liên quan, đào tạo về viễn thám cơ sở cho các sinh viên theo học và cho các cán bộ làm việc trong các ngành có liên quan đến công nghệ viễn thám.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế
Chú trọng nghiên cứu cơ bản, trong đó tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận, phương pháp luận, phát triển các lĩnh vực khoa học có thế mạnh và có tiềm năng nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu, vị thế của viễn thám trên toàn quốc.
Đẩy mạnh các hướng nghiên cứu có tính chất liên ngành, đa ngành; xây dựng cơ chế liên kết chuyên ngành, gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai để phối hợp giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước trong giai đoạn mới.
Kết hợp nghiên cứu toàn diện và trọng điểm với mục tiêu phát triển bền vững vùng. Nghiên cứu tình hình quốc tế, xu thế phát triển của khu vực và thế giới, dự báo tác động đối với sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2015 – 2025 và các giai đoạn tiếp theo; thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai theo các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu quốc gia, các chương trình, đề tài và nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, các dự án điều tra cơ bản và một số nhiệm vụ đột xuất khác theo đặt hàng của Đảng và Nhà nước.
Hội nhập quốc tế là yếu tố then chốt, góp phần đáng kể vào đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại đất nước; thúc đẩy sự liên kết mới giữa các hình thức ứng dụng viễn thám, nâng cao sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã xác định.
Công tác hội nhập quốc tế về viễn thám, cần tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Source: wikipedia, tainguyenmoitruong
Ngọc Hiền