Một nhóm do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford và Đại học Bath ở Anh dẫn đầu đã phát triển một phương pháp đếm số lượng voi châu Phi bằng hình ảnh từ vệ tinh Maxar, mở ra một phương pháp mới để theo dõi các loài động vật dễ bị tổn thương và có nguy cơ tuyệt chủng.
Voi châu Phi là loài động vật đầu tiên các nhà khoa học có thể đếm số lượng thành công từ không gian trong khi di chuyển qua một cảnh quan phức tạp từ đồng cỏ đến rừng.
Các nhà nghiên cứu kết hợp các hình ảnh độ phân giải cao chụp từ khoảng cách 600 km bên trên bề mặt Trái đất nhờ các vệ tinh Worldview 3 và 4 và máy tính để đếm số lượng voi ở Vườn quốc gia voi Addo ở Nam Phi.
Thông thường, các nhà bảo tồn đếm và theo dõi đàn voi châu Phi từ máy bay thấp, một phương pháp mất khá nhiều thời gian.
Với kỹ thuật mới kết hợp trí tuệ nhân tạo, họ có thể khảo sát khu vực lên tới 5.000 km vuông trong một vài phút. Các thuật toán máy tính sẽ phân tích hình ảnh và chọn ra đếm từng con. Kết quả của nghiên cứu cho thấy dùng AI phát hiện từng con voi độ chính xác tương đương mắt người.
Isla Duporge, nhà động vật học tại Đại học Oxford ở Anh, tác giả chính nghiên cứu cho biết: “Các tổ chức bảo tồn quan tâm đến việc sử dụng kết quả này để thay thế các cuộc khảo sát sử dụng máy bay như trước đây”.
Kỹ thuật mới là một phần quan trọng trong việc đảm bảo sự tồn tại của loài voi châu Phi, được Sách đỏ IUCN liệt kê là “dễ bị tuyệt chủng”, đây là cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới về các mối đe dọa tuyệt chủng đối với động vật hoang dã do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tạo ra.
Trong tương lai, khi hình ảnh vệ tinh được cải thiện, các loài động vật có kích thước nhỏ hơn có thể cũng sớm được ghi hình và đếm từ không gian. Kết quả nghiên cứu công bố trực tuyến vào ngày 23 /12 /2020, trên tạp chí Viễn thám trong Sinh thái và Bảo tồn.