Tại sao những kẻ lừa đảo lại ưa chuộng Zalo để giả danh công an, Telegram để giăng bẫy đầu tư, và Facebook để lừa chuyển tiền?
Chuyên gia tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia cho biết, các nền tảng như Zalo, Telegram, hay Messenger (liên kết Facebook) có tính chất đặc trưng riêng nên những kẻ xấu sẽ lợi dụng nhằm lừa đảo người dùng.
Dưới đây là phân tích về ảnh hưởng của các nền tảng này đến hoạt động lừa đảo và lý do vì sao các vụ lừa đảo thường có các đặc trưng riêng trên từng nền tảng:
- Zalo
Về đặc điểm, Zalo là một nền tảng phổ biến ở Việt Nam với tính năng bảo mật khá cao và tập trung vào việc sử dụng số điện thoại để đăng ký và xác thực người dùng. Điều này khiến Zalo trở thành công cụ hữu ích cho các cơ quan chức năng khi muốn liên lạc và hỗ trợ người dân, qua các kênh dịch vụ công chính thống có tích xanh trên Zalo.
Chính bởi những đặc điểm trên, các đối tượng lừa đảo thường giả danh công an hoặc các cơ quan chức năng, lợi dụng sự phổ biến của Zalo để tạo niềm tin với nạn nhân. Chúng yêu cầu người bị hại cài đặt phần mềm giả mạo độc hại trên điện thoại, cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền hoặc thực hiện các hành động khác dưới danh nghĩa pháp lý.
Chuyên gia an ninh mạng đánh giá, Zalo tạo cảm giác an toàn và tin cậy, do đó, khi một cuộc gọi hay tin nhắn từ Zalo có vẻ đến từ một cơ quan chức năng, nạn nhân dễ bị mắc lừa hơn. Chưa kể kẻ lừa đảo biết trước những thông tin cá nhân của nạn nhân nên dễ dàng tạo niềm tin.
- Telegram (Tele)
Về nền tảng Telegram, chuyên gia cho biết ứng dụng này nổi tiếng với tính năng ẩn danh, mã hóa cao 2 đầu E2E (trên secret chats), và khả năng tạo nhóm lớn (với tính năng tự động xóa tin nhắn trong một thời gian đã được đặt sẵn). Ứng dụng thường được những người đam mê công nghệ và các cộng đồng đầu tư trực tuyến sử dụng.
Tuy nhiên, chính sự ẩn danh này lại là ‘mảnh đất màu mỡ’ cho những kẻ lừa đảo, giúp chúng dễ dàng che giấu danh tính và trốn tránh sự truy vết từ cơ quan chức năng. Chúng ẩn mình trong bóng tối, dụ dỗ người dùng tham gia vào các mô hình đầu tư tiền ảo, sàn thương mại điện tử hoặc đa cấp với những lời hứa hẹn ‘ngọt như mía lùi’ về lợi nhuận kếch xù.
Ngoài ra, chuyên gia cũng nhấn mạnh, hiện nay, nền tảng Telegram không phối hợp với cơ quan chức năng.
- Messenger (Mess)
Nền tảng được đề cập cuối cùng là Messenger, liên kết với Facebook, là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, nền tảng này cũng thường xuyên bị lợi dụng bởi những kẻ lừa đảo.
Một trong những hình thức phổ biến nhất là hack tài khoản Facebook, sau đó sử dụng Messenger để nhắn tin mạo danh người quen của nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền gấp với các lý do khẩn cấp. Sự tin tưởng vào mối quan hệ quen biết khiến nạn nhân dễ dàng mắc bẫy.
Ứng dụng Messenger được tích hợp sâu với Facebook, nên những thông tin cá nhân, quan hệ xã hội trên Facebook dễ bị lợi dụng để xây dựng các kịch bản lừa đảo thuyết phục.
Chuyên gia an ninh mạng kết luận mỗi nền tảng có các đặc điểm riêng biệt giúp tăng cường hoặc giảm bớt khả năng lừa đảo. Các tính năng như bảo mật, ẩn danh, hay sự phổ biến của nền tảng đều có thể bị kẻ xấu lợi dụng.
Mạng xã hội, dù mang lại nhiều lợi ích, cũng tiềm ẩn vô vàn nguy cơ. Hiểu rõ cách thức hoạt động và những ‘mánh khóe’ lừa đảo trên từng nền tảng là bước đầu tiên để bạn bảo vệ bản thân. Hãy luôn cảnh giác, tỉnh táo trước những lời mời chào hấp dẫn và những yêu cầu bất thường, dù chúng đến từ đâu. Đừng để lòng tin của bạn bị lợi dụng, biến bạn thành nạn nhân tiếp theo của những kẻ lừa đảo.
Nguồn: Tổng hợp