Hội nghị Diễn đàn các cơ quan vũ trụ châu Á Thái Bình Dương là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm của ngành vũ trụ. Hội nghị Diễn đàn các cơ quan vũ trụ châu Á Thái Bình Dương APRSAF-28 vừa diễn ra tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của hơn 350 đại biểu đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên Thế giới.
Hội nghị Diễn đàn các cơ quan vũ trụ châu Á Thái Bình Dương APRSAF-28 đã chia sẻ những ứng dụng, những thành tựu công nghệ vũ trụ mới nhất trong năm. Là cơ hội để kết nối và mở ra các mối quan hệ hợp tác đa phương, song phương, chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị tham gia cũng như là nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và ứng dụng trong khu vực.
Một trong những xu hướng mới nhất hiện nay trong ứng dụng công nghệ vũ trụ là quản lý thành phố thông minh. Công nghệ vũ trụ với ảnh chụp từ vệ tinh kết nối với trạm thu nhận tín hiệu dưới mặt đất sẽ giúp quản lý được tình trạng hệ thống ngầm dưới mặt đất đến 70 cm và các hoạt động diễn ra trên mặt đất của thành phố thông minh từ môi trường, cây xanh, rác thải đến chuỗi cung ứng, giao thông từ đó giúp cơ quan quản lý có một bức tranh tổng thể về thành phố, đưa ra điều hành nhanh chóng chính xác.
Theo bà Lê Thanh Hương, Tổng Giám đốc Vegastar Technology, với các công nghệ viễn thám cho phép chúng ta có thể nhìn thấy được các tình trạng dưới mặt đất. Ví dụ chúng ta có thể quản lý các hệ thống ống ngầm dẫn nước rồi dẫn nước thải. Chúng ta có thể biết chỗ nào sắp vỡ, chỗ nào gần vỡ để chúng ta có thể duy trì, bảo dưỡng nó được tốt hơn.
Công nghệ vũ trụ còn được ứng dụng để giám sát công trình thủy điện, mới đây nhất là công trình thủy điện Buôn Kuôp của Đăk Lăk giám sát sự thay đổi của môi trường ở quanh hồ đập, phân tích dịch chuyển biến dạng của mặt đất và công trình. Dự án do các chuyên gia của Trung tâm Địa không gian Vega Geospatial đảm nhận – sử dụng ảnh radar cho độ chính xác cao trên phạm vi rộng lớn từ đó nhanh chóng phát hiện các nguy cơ mất an toàn của hồ đập giúp kiểm soát lượng nước đầu nguồn, cuối nguồn, đưa ra kế hoạch xả nước hợp lý.
Tiến sĩ Lê Xuân Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam: Các ứng dụng về công nghệ vũ trụ ngày càng được mở rộng. Với công nghệ IOT, big data, kết hợp rất nhiều dữ liệu ảnh với nhau, có thể sử dụng rất nhiều ảnh trong quá khứ để từ đó tích lũy, chắt lọc các thông tin để xem các vùng biến đổi, thay đổi như thế nào, phát hiện mất rừng nhanh hoặc đôi khi là phát hiện sạt lở.
Làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, chủ động giám sát các hoạt động biến đổi của thiên nhiên. Cung cấp đa dạng các hoạt động của viễn thông như định vị dẫn đường, cảnh báo cho người dân là những trọng tâm khác của chiến lược vũ trụ Việt Nam đến năm 2030.
Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam – Vệ tinh LOTUSat-1 nặng tới 570kg đang được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng với Nhật Bản phát triển. Hiện Việt Nam đã nghiệm thu thiết kế sơ bộ vệ tinh và dự kiến cuối năm 2023 sẽ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam – khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Nếu vệ tinh nghiên cứu phát triển trong các phòng thí nghiệm, tỉ lệ thành công đến 35% thì tỉ lệ thành công thương mại của vệ tinh LotusSat-1 là rất cao. Đặc biệt Việt Nam có thể xây dựng dữ liệu ảnh vệ tinh của toàn lãnh thổ, trên cơ sở đó để các bộ ngành có thể ứng dụng
Theo PGS, TS Phạm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc (VNSC): Chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ các bài toán ứng dụng, kết hợp triển khai nhiều chương trình hội thảo tại các địa phương, mở rộng hợp tác với các đơn vị phát triển ứng dụng như Vegastar Technology để xây dựng các mô hình ứng dụng cụ thể, phối hợp với Vega Space and Geospatial Academy – VSGA tổ chức các khóa đào tạo online/offline từ kiến thức cơ bản đến nâng cao. Với mục tiêu lớn nhất là xây dựng, thúc đẩy nhu cầu thị trường đối với ứng dụng công nghệ vũ trụ.
Trước mắt chúng ta cần đẩy mạnh nhận thức xã hội về sự cần thiết của công nghệ vũ trụ đối với đời sống xã hội của mỗi người dân, gia đình, doanh nghiệp và Quốc gia. Điều thứ 2 cấp thiết là xây hành lang pháp lý, trong đó có vai trò tham gia tích cực của khối doanh nghiệp. Ví dụ chị thấy, trong diễn đàn lần này chúng ta có một doanh nghiệp Việt Nam Vegastar Technology tham gia tích cực trong các phiên thảo luận cũng như trình diễn các giải pháp, sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực Vũ trụ, từ Đào tạo, nghiên cứu phát triển các giải pháp ứng dụng đến dịch vụ kỹ thuật và vệ tinh. Đó là một tín hiệu tốt.
Những kết quả từ việc phát triển công nghệ vệ tinh giúp kết nối và hỗ trợ các giao dịch thương mại, mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế, quốc phòng, an ninh, trở thành công cụ không thể thiếu để ứng phó với thảm họa, bảo tồn môi trường, quản lý, phòng chống cháy rừng, bảo đảm an ninh lương thực.
Nguồn: VTV